Mỗi khi bạn bước chân vào các nhà hàng Nhật Bản, bạn sẽ thấy vài lọ đựng gia vị đặt sẵn trên bàn. Nhưng bạn có biết trong đó có những gì và mùi vị chúng như thế nào không? Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một vài loại đồ gia vị cơ bản luôn có mặt thường trực trong các nhà hàng Nhật Bản.
#1. Shōyu (醤油) – Xì dầu
Shoyu, hay xì dầu, có thể là một trong những gia vị người ta nghĩ đến đầu tiên khi nói về gia vị Nhật Bản. Loại nước sốt đen đặc này được làm từ đậu nành luộc lên men và gạo rang, có vị mặn nhưng lại làm cho món ăn thêm đậm đà hơn. Xì dầu không chỉ có trong các nhà hàng truyền thống Nhật Bản mà bất cứ nhà hàng nào ở xứ sở hoa anh đào đều có cả.
Đây có lẽ là loại gia vị quan trọng nhất làm điểm nhấn cho các món ăn trứ danh Nhật Bản như sashimi và sushi. Tại các nhà hàng sushi truyền thống, xì dầu được gọi là “murasaki”.
#2. Shio (塩) – Muối
Muối thì ở quốc gia nào thì chẳng có nhưng tại xứ sở hoa anh đào, bạn có lẽ ngạc nhiên với sự đa dạng chủng tộc của nhiều loại muối, ví dụ muối đá, muối trà xanh. Thực chất, người Nhật Bản ăn tempura (hải sản hay rau củ chiên) với muối thay vì nước sốt tempura để “đẩy” vị ngon của món đồ chiên lên.
Nếu bạn nhìn kĩ lọ đựng muối, bạn sẽ thấy bên trong có những hạt to to màu trắng đó chính là gạo đấy. Họ cho gạo vào lọ đựng muối nhằm giữ muối trong tình trạng khô ráo, không bị ẩm.
#3. Koshō (胡椒) – Tiêu
Một lần nữa, tiêu cũng là một gia vị không hề hiếm ở các quốc gia khác trên toàn cầu và Nhật Bản cũng không phải là một ngoại lệ. Tại xứ sở hoa anh đào có hai loại tiêu: tiêu đen và tiêu trắng. Bạn sẽ thấy tiêu trắng thường xuyên ở các nhà hàng Trung Quốc, cũng bởi vì trông na ná như muối, bạn nên xem kĩ lọ đựng trước khi cho vào dĩa đồ ăn của mình nhé.
#4. Sōsu (ソース) – Nước sốt
Nước sốt thì có ở các tiệm cơm hay các nhà hàng kiểu Tây. Nước sốt có hai dạng đen và nâu, và vị chua ngọt. Ở một số nhà hàng có loại nước sốt Worcester đậm đặc làm từ rau củ, trái cây, gia vị, đường và xì dầu. Bởi vì nước sốt Worcester khá giống người anh em xì dầu nên để phân biệt hai loại này, bạn nên ngửi trước khi thêm vào dĩa đồ ăn.
Khi nói về nước sốt đậm đặc, Nhật Bản cũng có loại chuno sosu dùng cho mì khô yakisoba và bánh xèo okonomiyaki.
#5. O-Su (お酢) – Dấm
Ở những tiệm mì ramen hay tiệm đồ ăn Trung Hoa, bạn sẽ thấy trên bàn có sẵn lọ dấm. Bạn cũng biết dấm có vị khá chua nhưng lại thêm chút gì đó “hay hay” cho món ăn. Hầu hết ở các nhà hàng, người ta đều dùng dấm gạo cả.
Dấm có màu trong suốt hay hơi hơi vàng. Một cách “tận dụng” dấm khá thông minh đó là trộn dấm với xì dầu, sau đó cho thêm dầu ớt rồi ăn với há cảo chiên Nhật Bản – ngon tuyệt vời ông mặt trời!
#6. Shichimi (七味) Ớt trộn 7 màu & Ichimi (一味) Ớt
Trên bàn các tiệm mì soba hay udon đều có hỗn hợp ớt trộn như trên hình cả. Có hai loại, loại thứ nhất là ichimi - hỗn hợp ớt giã nhuyễn - và loại thứ hai là shichimi – ichimi trộn với 6 loại gia vị khác. Dù bạn rất tự tin vào trình độ ăn cay của mình, bạn cũng phải cẩn thận khi cho hỗn hợp ớt này vào trong đồ ăn vì có thể lưỡi bạn sẽ không chịu nổi đấy.
#7. Karashi (辛子) Mù tạc vàng & Wasabi (ワサビ) Mù tạc xanh
)
Karashi là loại gia vị mù tạc sệt màu vàng, cay hơn những loại gia vị khác bạn thường thấy. Trong các tiệm ăn hay các nhà hàng Trung Hoa, Nhật Bản, người ta sẽ để sẵn trên bàn lọ mù tạc karashi và đây cũng là thành phần gia vị cho các món hiyashi chuka (mì lạnh), shumai (há cảo thịt heo), katsu (cốt lết thịt heo chiên) và oden (lẩu Nhật Bản)
Wasabi là mù tạc xanh làm từ cây cải ngựa, có mặt thường trực ở các nhà hàng Nhật Bản. Đây là món ăn kèm với sushi, sashimi hay các loại thực phẩm ăn sống khác. Với vị cay thuộc dạng nhất nhì trong thế giới ẩm thực Nhật Bản, wasabi hứa hẹn sẽ khiến lưỡi bạn bùng nổ và độ cay nồng sẽ từ từ lên mũi rồi lên đầu. Nhưng bạn cũng đừng lo vì nó cũng qua nhanh chóng thôi. Wasabi là loại gia vị “độc nhất vô nhị” ở Nhật Bản nên khi qua đây rồi, bạn đừng bỏ cơ hội thử qua nhé!
#8. Rāyu (ラー油) – Dầu ớt
Tại các nhà hàng Trung Hoa và các tiệm mì ramen, bạn sẽ thấy lọ dầu ớt đỏ đỏ này. Hoàn toàn làm từ ớt đỏ, ngay cả khi bạn chỉ cho một lượng nhỏ vào thôi, dầu ớt sẽ phát huy tác dụng triệt để cho món ăn của bạn ngon hơn. Dầu ớt được dùng để làm nước sốt cho món há cảo, tuy nhiên, nếu bạn thích ăn cay, tại sao không thử cho dầu ớt vào những món khác nhỉ?
#9. Beni Shōga (紅ショウガ) – Gừng muối
Ở các tiệm ăn chuyên bán gyudon (cơm thịt bò) và mì ramen Hakata, gừng muối bao giờ cũng túc trực phục vụ bạn cả. Đây là loại dưa muối khá phổ biến được làm từ gừng tươi, nhuộm đỏ rồi ngâm với dấm mơ. Cùng một lúc, bạn có thể cảm nhận được vị chua, ngọt, mặn và cay từ gừng muối. Màu đỏ đỏ hồng hồng của gừng làm cân bằng sắc thái màu sắc của món ăn, khiến bạn cảm thấy ngon miệng hơn.
|