Ramen - “món ăn quốc hồn quốc tuý” của người Nhật Bản
Mì Ramen là món ăn cực kỳ gần gũi trong đời sống người Nhật. Một thống kê gần đây cho thấy trung bình người Nhật ăn 75 tô mì mỗi năm, tính cả số lần ăn mì tại nhà, tại quán và mì ăn liền. Có nghĩa là người Nhật ăn hơn 1 tô mì mỗi tuần. Có thể nói đây là số lượng khá nhiều nếu đem so với Gyudon (cơm thịt bò) cũng được xem là món “quốc tuý” khác với tần suất trung bình 2-3 tô mỗi tháng. Ngời Nhật có thói quen ăn uống xoay vòng nhiều loại thức ăn. Và dù rất nhiều người Nhật không thích ăn lặp lại cùng một món nhưng với mì Ramen điều kỳ lạ là tỷ lệ ăn lặp lại đáng ngạc nhiên như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa, mì Ramen chính là món ăn “quốc hồn quốc tuý” được yêu chuộng nhất tại Nhật Bản.
Mì Ramen vô cùng đa dạng, phong phú về chủng loại!
Mì Ramen là món ăn kết hợp mì, nước súp và các nguyên liệu kèm theo (topping). Tuy nhiên chỉ mì thôi thì cũng có rất nhiều chủng loại tuỳ theo cách chế biến từng nhà hàng. Tiếp đến là nước súp, được chế biến theo phong cách của từng nhà hàng, nước súp là sự hoà quyện giữa các loại thịt bò, heo, gà… hay các loại hải sản như “Katsuobushi-cá ngừ bào” (cá ngừ đã được sấy khô và bào lát cực mỏng), cá mòi khô (cá đã được sấy khô tựa như cá cơm…) kết hợp với các loại rau như tảo bẹ (tảo biển)… Về cơ bản, mì Ramen được chế biến từ những nguyên liệu truyền thống của Nhật. Tuy nhiên gần đây người ta còn dùng các nguyên liệu độc đáo khác như cà chua, pho mát, thậm chí sữa chua… để trang điểm thêm cho tô mì. Thật là đa dạng các chủng loại mì theo sự uyển chuyển trong cách chế biến của các nhà hàng.
Ramen được bắt nguồn từ phố người Hoa
Món mì Ramen được ăn ở Nhật từ hơn 100 năm trước. Tọa lạc ở phía Đông tỉnh Kanagawa và phía Nam Tokyo, "Yokoham" là thành phố cảng giáp với vịnh Tokyo. Cùng với việc mở cảng biển năm 1859, nhiều người ngoại quốc đã di cư đến đây như người Bồ Đào Nha, người Anh, người Trung Quốc,vv…Thời điểm đó, nhiều người Trung Quốc nhớ quê đã mở các cửa hàng bán món ăn của quê hương mình như để lưu giữ hương vị quê nhà. Yatai là một dạng quán vỉa hè phục vụ các món mì xuất hiện chủ yếu ở phố người Hoa
Mì Miso Ramen – mì chính gốc Nhật Bản ra đời
Từ 1945, sau khi kết thúc chiến tranh “quán mì vỉa hè” đã mọc lên như nấm khắp Nhật Bản, tạo thành trào lưu những nhà hàng “chuyên” Ramen tại các vùng. Trong bối cảnh đó, năm 1955 tại Sapporo lần đầu tiên người ta cho ra đời món Miso Ramen hoàn toàn dựa trên vị “miso”, loại nước chấm đặc thù của Nhật Bản. Trong một thời gian ngắn, Miso Ramen trở thành sản phẩm được yêu thích khắp đất nước, và cùng với Shoyu Ramen (mì xì dầu) và Shio Ramen (mì muối ), Miso Ramen trở nên không thể thiếu trong thực đơn tại tất cả các nhà hàng Ramen trên toàn quốc.
Phát minh ra mì ăn liền
Năm 1958, "Mì Ramen vị thịt gà Nissin (Nissin Chikin Ramen)" - mì ăn liền đầu tiên trên thế giới do ông Momofuku Ando tại Công ty thực phẩm Nissin phát minh được bày bán trên thị trường. Từ đó trở đi tên gọi "Mì Ramen" được sử dụng phổ biến trên khắp Nhật Bản. Như mọi người đã biết thì loại mì ăn liền này và sau đó là "Mì ly" (Cup Noodle) được bán ra năm 1971 đã trở thành các sản phẩm tạo được tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của mì Ramen - loại mì với cách chế biến rất đơn giản với việc chỉ cần cho nước sôi vào mì hay nấu mì bằng nồi - đã có ảnh hưởng lớn đến phong cách ẩm thực của người Nhật. Hiện nay mì ăn liền được phát minh tại Nhật Bản được tiêu thụ khoảng 100 tỷ gói trên toàn thế giới.
Những từ khóa cần nhớ : “Kotteri” (vị đậm đà) và “Kaedama” (thêm mì vào nước súp còn dư)
Vào thập niên 1980, tại khu vực cực Nam Nhật Bản – Kuyshu chủ yếu ở tỉnh Fukuoka người ta biết đến phong cách “Ramen Hakata”, phong cách này nhanh chóng lan rộng khắp nước Nhật và trở thành đề tài không dứt trong những câu chuyện lúc bấy giờ. Người ta gọi nước súp nấu theo kiểu “đậm đà” là “kotteri” (*) hoặc “cho thêm mì vào nồi súp còn dư” là “kaedama”. Bên cạnh đó khi diễn tả độ cứng của sợi mì người ta cũng có nhiều thuật ngữ như “kona-otoshi” (siêu cứng ), “harigane” (rất cứng), “barikata”(khá cứng) và “katame” (
hơi cứng) ※ Là kiểu nước súp có màu sắc đẹp và hương vị đậm đà, béo ngậy.
Ramen – trợ thủ đắc lực của nhân viên văn phòng
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay Ramen cùng với hamburger và guydon là những món fast-food được người Nhật yêu mến rộng rãi. Với đặc tính có thể dễ dàng ăn ngay mì Ramen là cứu cánh cho giới văn phòng không có nhiều thời gian và giới sinh viên với túi tiền eo hẹp. Vì vậy rất dễ dàng bắt gặp cảnh người ta chen chúc nhau để ăn mì Ramen tại những cửa hàng Ramen san sát nhau quanh các ga xe điện lớn nơi có nhiều nhân viên văn phòng và sinh viên hay đi lại.
Thói quen ăn Ramen vào buổi sáng (Asara)
Vùng Tohoku (Đông Bắc) Nhật Bản nổi tiếng khắp cả nước với thói quen ăn Ramen vào buổi sáng. Từ sáng sớm tinh mơ đã có rất nhiều cửa hàng bán mì Ramen bắt đầu hoạt động. Thực khách tại những quán này đương nhiên là giới văn phòng trước giờ đi làm, sinh viên, và cả những người dân xung quanh. Ăn mì Ramen vào buổi sáng sớm như thế người ta gọi là “asara”. Lý do có lẽ trước đây những quán này phục vụ cho công nhân đi làm ca đêm, sau giờ tan tầm về lúc sáng ăn một bát mì lót dạ; hoặc là các bác nông dân làm đồng sáng sớm trở về ghé ngang dùng một tô mì điểm tâm. Bất luận ăn vào thời điểm nào hay ăn bao nhiêu tô đi chăng nữa, chính hương vị thơm ngon của mì đã tạo cảm giác ăn hoài không chán, từ đó hình thành thói quen “ăn mì vào buổi sáng” cho đến ngày nay.
Ramen shime - Mì Ramen sau cuộc nhậu
Nhiều người Nhật rất thích thưởng thức một bát mì sau khi uống rượu. Người ta gọi việc này là “shime no ramen”. Vốn dĩ trong ẩm thực Nhật Bản có quy tắc phục vụ cơm và các loại mì sau cùng trong bữa ăn. Nhìn lại lịch sử vào thời đại Edo (1603-1868) với những quán cóc Soba mọc lên khắp nơi, những người dân thành thị hay lui tới những quán này ăn vào buổi tối với những hàng quán vừa bán vừa gõ “yonaki-soba”. Ngày nay Ramen dần dần thay thế cho những quán soba này và thói quen ăn một tô mì vào cuối ngày vẫn còn giữ đến ngày nay.
Mì Ramen phát triển đến mức nào?
Nói đến mì Ramen người ta hay liên tưởng đến cảnh cho một vắt mì vào tô nước dùng - phong cách cổ điển và phổ biến nhất thường được gọi là “shiru-soba”. Tuy nhiên không chỉ có thế, rất nhiều loại mì đã được phát triển thêm và phong cách thưởng thức cũng vì thế mà rất đa dạng. Ví dụ nhúng mì vào trong bát súp rồi cho vào miệng ăn theo phong cách “tsuke-men”, hoặc trộn mì với gia vị và dầu thay cho nước súp rồi ăn theo phong cách “ae-soba”, hiyashi-chuka - loại mì lạnh dùng ăn vào mùa hè. Thực sự nếu chỉ với một chữ mì thôi vẫn chưa đủ để nói lên hết sự đa dạng của Ramen. Trong một tô Ramen, sự biến hóa của ẩm thực Nhật Bản gần như là vô hạn.
Ramen - “món ăn quốc hồn quốc tuý” của người Nhật Bản
Mì Ramen là món ăn cực kỳ gần gũi trong đời sống người Nhật. Một thống kê gần đây cho thấy trung bình người Nhật ăn 75 tô mì mỗi năm, tính cả số lần ăn mì tại nhà, tại quán và mì ăn liền. Có nghĩa là người Nhật ăn hơn 1 tô mì mỗi tuần. Có thể nói đây là số lượng khá nhiều nếu đem so với Gyudon (cơm thịt bò) cũng được xem là món “quốc tuý” khác với tần suất trung bình 2-3 tô mỗi tháng. Ngời Nhật có thói quen ăn uống xoay vòng nhiều loại thức ăn. Và dù rất nhiều người Nhật không thích ăn lặp lại cùng một món nhưng với mì Ramen điều kỳ lạ là tỷ lệ ăn lặp lại đáng ngạc nhiên như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa, mì Ramen chính là món ăn “quốc hồn quốc tuý” được yêu chuộng nhất tại Nhật Bản.